Hôm nay, ngày 28/12/2024 01:21:14 AM - Hotline: 0859818553

Việt Nam cần linh hoạt đón vốn

Hàng trăm tỉ USD rời Trung Quốc, Việt Nam cần linh hoạt đón vốn

28/10/2021 17:26

Trung Quốc liên tiếp phá giá Nhân dân tệ, kinh tế Việt Nam phải tăng sức đề kháng. Muốn thế, chúng ta cần phải củng cố sự vững chắc của cán cân thanh toán….

Trao đổi về động thái của Trung Quốc trong việc liên tục phá giá đồng nhân dân tệ (CNY), ông Trương Văn Phước, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng không nên suy nghĩ “máy móc” rằng Việt Nam cũng phải phá giá VND với mức 
tương đương.

Ông Phước nói việc Trung Quốc (TQ) phá giá đồng CNY khoảng 4,6% trong ba ngày qua xuất phát từ hai nhóm nguyên nhân chủ yếu.

Thứ nhất: họ muốn kích thích nền kinh tế, giúp xuất khẩu lấy lại đà phục hồi sau khi bị suy giảm 8,3% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm trước, cũng như để duy trì tăng trưởng.

Thứ hai: trước áp lực phải linh hoạt cơ chế tỉ giá khi TQ đang đàm phán với IMF để quốc tế hóa đồng CNY, đưa đồng CNY vào nhóm đồng tiền thuộc quyền rút vốn đặc biệt, tức là đưa đồng CNY thành đồng tiền dự trữ quốc tế.

Cho nên thay vì công bố tỉ giá bình quân liên ngân hàng hằng ngày, nay họ chuyển qua cơ chế mới: hằng ngày khoảng 9g15 sáng, Ngân hàng Nhân dân TQ lấy tỉ giá đóng cửa ngày hôm trước làm tỉ giá mở cửa ngày hôm sau.

Dù có không ít ý kiến phản ứng từ phía Mỹ và các nước phương Tây nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng nếu TQ thật sự theo đuổi cơ chế tỉ giá hối đoái này một cách công khai, minh bạch và trung thực để cho cung cầu tác động đến tỉ giá thì trong tương lai, đồng CNY không mất giá thêm, thậm chí có thể quay đầu tăng giá trở lại.

* Nhiều ý kiến lo ngại rằng hàng TQ sẽ rất rẻ và ồ ạt vào VN, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của VN trong khi việc nới tỉ giá VND là chưa đủ…?

– Việc nới biên độ tỉ giá lên 2% từ ngày 12-8 của Ngân hàng Nhà nước, theo tôi, là điều dễ hiểu và cần phải làm. TQ là nền kinh tế lớn lại nằm sát chúng ta, nhập siêu từ TQ khá lớn, khoảng 20 tỉ USD. Nếu nay TQ phá giá đồng CNY chắc sẽ ảnh hưởng nhiều đến nhập siêu của nước ta. Việc lo ngại hàng TQ giá rẻ sẽ tràn vào là chính đáng.

Nhưng nếu bình tĩnh suy xét, chúng ta thấy rằng có thể hóa giải vấn đề nhập siêu thêm từ TQ từ các đối tác thương mại đa dạng khác. Mặt khác, đồng CNY của TQ trong 10 năm qua đã tăng giá khoảng 30%, trong khi cũng thời gian đó VND mất giá gần 40%.

Nếu cộng gộp lại, sau khi loại trừ tốc độ lạm phát khá xấp xỉ nhau, lợi thế tỉ giá của VN lớn hơn rất nhiều so với đồng CNY là 70%. Nhưng tại sao VN không xuất siêu thương mại với TQ?

Theo tôi, bởi trong quan hệ thương mại giữa VN với TQ, tỉ giá có tác động một phần chứ không phải yếu tố quyết định. Do đó, không nên suy nghĩ máy móc là nếu TQ tăng giá 3%, VN cũng tăng giá như thế và ngược lại.

* Thị trường chứng khoán trong khu vực cũng đã phản ứng tiêu cực sau khi đồng CNY bị phá giá liên tiếp, liệu sẽ tái diễn đợt khủng hoảng tài chính trong khu vực?

– Theo tôi, sẽ không có những sự cố như kiểu khủng hoảng của những năm 2007 – 2008 quay lại. Đương nhiên có nhiều ý kiến của các học giả lớn trên thế giới cho rằng TQ đang khơi mào cho một cuộc chiến tranh tiền tệ.

Nhưng tôi không nghĩ rằng với việc đồng CNY mất giá trong ba ngày liên tục khoảng 4,6% thì họ có ý định phát động cho cuộc chiến tranh tiền tệ. Bởi ai cũng biết đã là cuộc chiến tranh sẽ không có ai toàn thắng và không có ai toàn thua…

Tác động của một quốc gia dù to lớn, hùng mạnh như TQ thì phần còn lại của thế giới cũng không ngồi yên. Mỹ, phương Tây, Nhật Bản… cũng sẽ có những đối sách của họ. Điều đó buộc lòng chúng ta phải chờ xem.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, tôi nghĩ xuất khẩu của TQ trong tháng 8, đặc biệt trong tháng 9 và tháng 10, do hệ quả của việc giảm giá đồng CNY, chắc chắn TQ sẽ lấy lại thị phần, chèn lấn sức cạnh tranh của phần còn lại của thế giới, trong đó có VN. Nhưng trong tương lai rất ngắn, thế giới sẽ có các đáp trả phù hợp với sự xuống giá quá nhanh của đồng CNY.

Đặc biệt là lãnh đạo TQ sắp có cuộc viếng thăm Mỹ giữa tháng 9 thì chắc hẳn những vấn đề này hai nước sẽ bàn bạc xử lý thỏa đáng.

* Ngoài việc tăng biên độ tỉ giá, VN cần phải có giải pháp gì để hạn chế tác động tiêu cực từ việc TQ phá giá đồng CNY?

– Trước hết, nền kinh tế của chúng ta cần phải tăng sức đề kháng. Muốn thế, chúng ta cần phải củng cố sự vững chắc của cán cân thanh toán. Để làm được điều này, cần phải quản lý quy mô nhập siêu chặt chẽ hơn.

Năm nay nhập siêu khoảng 8 – 10 tỉ USD là chấp nhận được. Vấn đề thứ hai là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo ra niềm tin vững chắc về quá trình VN mở cửa hội nhập, như tham gia TPP… Các nhân tố tạo lòng tin rất quan trọng.

Đặc biệt, trong bối cảnh các nhà đầu tư đang rút vốn ào ạt ra khỏi TQ, VN cần linh hoạt để thành nơi đón nhận dòng vốn đó.

Thời gian qua chúng ta đã có một số chính sách để tận dụng sự thay đổi trên, như mở room cho thị trường chứng khoán, chính sách bất động sản đã thông thoáng hơn… Tới đây, việc cải cách doanh nghiệp nhà nước cần đẩy mạnh, những ngành nghề nào mà Nhà nước không cần nắm 100% vốn cũng nên mạnh dạn mở ra, còn ngành ngân hàng, tài chính không thể mở room hết ngay nhưng cũng nên có lộ trình.

Thực tế, nếu kiểm soát tốt nhập siêu, VN có thể tin tưởng sự ổn định trên thị trường tiền tệ bởi chúng ta sẽ có thặng dư trên tài khoản vốn. Ngoài vốn đầu tư nước ngoài, năm nay chúng ta dự kiến sẽ có lượng kiều hối về 12 – 14 tỉ USD nữa…

* Chúng ta cần phải làm gì để tránh khỏi hàng TQ giá rẻ?

– Khi giảm giá đồng CNY, hàng TQ rẻ đi sẽ là áp lực mạnh cho sản xuất trong nước. Theo tôi, chính sách thương mại khôn ngoan là phải sử dụng hàng rào phi thuế quan chứ không chỉ chực chờ tỉ giá hối đoái. Khi đã hội nhập, nhiều nước dùng hàng rào kỹ thuật, ta cần nghiên cứu áp dụng tốt hơn.

Tuy nhiên, quan trọng hơn là làm sao tận dụng được cơ hội trong khó khăn. Thông tin cho biết có hàng trăm tỉ USD đã rời TQ. Chúng ta cần đo lường, nghiên cứu một cách nghiêm túc xem lượng vốn rút khỏi TQ đi về đâu để có những chính sách phù hợp đón dòng vốn thoái ra này.

* Lãi suất liệu có bị ảnh hưởng khi điều chỉnh biên độ tỉ giá? Theo ông, lãi suất sắp tới có tăng không? Cần hỗ trợ thêm những gì để doanh nghiệp có thể tận dụng được những cơ hội trong khó khăn này?

– Lãi suất chịu tác động bởi hai nhân tố là theo quy luật cung cầu và lạm phát. Cầu tiền nhiều hơn cung thì lãi suất phải tăng. Theo tôi, bối cảnh hiện nay, lạm phát 2015 dự báo thấp chỉ 2-3% nên lãi suất khó có thể tăng lên được. Lãi suất cũng khó giảm hơn vì sự phục hồi của thị trường chứng khoán, bất động sản… Đợt điều chỉnh biên độ tỉ giá lần này tôi cho rằng không tác động khiến lãi suất phải điều chỉnh.

Còn hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều giải pháp như giảm thời gian nộp thuế, cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí không chính thức… Tuy nhiên, khoảng cách giữa chính sách và thực tế vẫn cần rút ngắn lại. Ví dụ giảm thời gian nộp thuế, thời gian thông quan cần làm sao để giảm được theo các đánh giá và thực tế phải cùng giảm xuống, giảm được chi phí cho doanh nghiệp… Chúng ta đã có nhiều chính sách, cần làm sao để các chính sách phát huy tác dụng cao nhất trên thực tế.

* Ngân hàng Nhà nước cho rằng thời gian tới sẽ điều hành tỉ giá ổn định. Nhưng nếu TQ tiếp tục phá giá đồng CNY, mức điều chỉnh trên có còn phù hợp?

– Chúng ta cần tiếp tục theo dõi nhưng việc duy trì ổn định tỉ giá có ý nghĩa sâu xa. Cách đây bốn năm, chúng ta đã điều chỉnh hơn 9% nhưng cái giá phải trả là làm mất lòng tin của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Chúng ta rất quan tâm đến lạm phát và tỉ giá chỉ vì đây là hai loại thuế. Vì không được đặt tên là thuế nhưng nó là thuế, nếu tăng lên thì nó gây tổn thương đến lợi ích của nhà đầu tư. Vì họ bỏ tiền vào VN với tỉ giá này, một thời gian sau tỉ giá thay đổi mạnh sẽ khiến lợi nhuận của họ bị giảm nếu muốn chuyển về nước. Điều chỉnh tỉ giá bất cứ nước nào cũng phải cân nhắc kỹ…

 

Lê Thanh – C.V.Kình (Tuổi trẻ)

Tin rao liên quan

BĐS bán
BĐS cho thuê
Tin đã lưu