Hôm nay, ngày 22/11/2024 06:52:12 PM - Hotline: 0859818553

Làn sóng thứ 3 trên thị trường địa ốc TP.HCM

Làn sóng thứ 3 trên thị trường địa ốc TP.HCM

10/04/2017 16:24

(ĐTCK) Thị trường bất động sản TP.HCM đang có sự phát triển theo vòng của từng khu vực - đầu tiên là khu Nam, rồi đến khu Đông và gần đây là sự trỗi dậy của khu Tây Nam. Tại buổi tọa đàm “Cơ hội đầu tư vào bất động sản Tây Nam” tổ chức tuần qua, nhiều chuyên gia cho rằng, khả năng đây sẽ là làn sóng thứ 3 của thị trường địa ốc TP.HCM.

Hạ tầng mở lối

Trong chiến lược phát triển đô thị của TP.HCM được xác định sẽ phát triển theo 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc. Ghi nhận thực tế cho thấy, đã trở thành quy luật, sau những cú huých về chiến lược phá triển hạ tầng, là kéo theo sự phát triển của thị trường bất động sản tại khu vực đó.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn CBRE Việt Nam cho rằng, một thời gian dài, nói đến thị trường bất động sản TP.HCM là chúng ta nói nhiều đến thị trường phía Đông và phía Nam, nhưng thời gian gần đây, thị trường phía Tây (quận 6, quận 8, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh) đang có những bước tiến vượt bậc vì sự phát triển của hạ tầng khu vực.

Làn sóng thứ 3 trên thị trường địa ốc TP.HCM

Kể từ năm 2015, đặc biệt từ đầu năm 2016 đến nay, bất động sản khu vực phía Tây Nam TP.HCM như thỏi nam châm hút mạnh nguồn vốn của các chủ đầu tư

Một nghiên cứu mới đây của CBRE cho thấy, lần đầu tiên nguồn cung căn hộ phía Tây trong năm 2016 và quý I/2017 khu Tây lớn hơn cả phía Đông và phía Nam. Nếu như trong năm 2015, nguồn cung căn hộ ở phía Tây chỉ chiếm 18% tổng nguồn cung trên toàn thị trường, thì sang năm 2016, con số này đã tăng lên 25%, tương đương 8.800 căn và trong quý I/2017, con số này đã chiếm mức 35%.

“Khu Tây đang trở thành khu vực hấp dẫn không phải với nhà đầu tư, mà với cả những người mua để ở. Tỷ lệ giao dịch rất tốt ở khu vực này, hầu hết các dự án được bán ra với tỷ lệ giao dịch thành công lên tới 80-90%. Tại một số dự án trước đây có tỷ lệ bán không tốt, thì hiện nay, sau khi “đổi chủ”, được thay đổi thiết kế và phương thức thanh toán, tỷ lệ bán đạt đến hơn 90%”, bà Dung cho biết.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đến thời điểm này, thị trường bất động sản khu Tây Nam gần như chưa có dự án bất động sản cao cấp nào. Tuy nhiên, về tổng quan, con đường phát triển ở khu Tây đang đi theo khu Nam và khu Đông, đó là hạ tầng đang đi trước 1 bước, kéo theo đó là sự tăng cường dịch vụ phục vụ cho người dân.

Cụ thể, hệ thống hạ tầng khu vực phía Tây Nam thời gian qua đã tương đối phát triển khá tốt, như các tuyến đường lớn Đại lộ Đông Tây, đường Nguyễn Văn Linh, tuyến metro số 3a, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Quốc lộ 50 mở rộng, cầu Nhị Thiên đường mới, cộng với các khu đô thị mới đang hình thành…

Ngoài ra, khá nhiều tuyến đường huyết mạnh được Thành phố đầu tư thời gian qua đã khơi thông kết nối khu Tây với các khu vực khác, như các tuyến đường Kinh Dương Vương, Hồng Bàng, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương, khởi công vào năm 2010 và dự kiến đi vào hoạt động năm 2019), tuyến metro số 6 Bình Phú (Tân Bình - Phú Lâm) kết nối giữa tuyến metro số 3A (Bến Thành - Bến xe miền Tây) tại vòng xoay Phú Lâm và tuyến metro số 2 tại Bà Quẹo hoàn thành…

Nói về sự bứt phá của bất động sản “ăn theo” hạ tầng của khu Tây Nam, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành lấy quận 8 dẫn chứng. Cụ thể, quận 8 là khu vực đang được các nhà đầu tư đổ bộ mạnh nhất.

Trong quá khứ, quận 8 không có nhiều lợi thế phát triển do đặc thù có nhiều kênh rạch, tạo nên khoảng cách đi lại, tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, trước sự bứt phá mạnh của các công trình hạ tầng, với nhiều cây cầu nối cách quận trung tâm với quận 8, địa phương này trở nên đắc địa trong mắt các nhà đầu tư.

Đặc biệt gần đây, chính sách cải tạo kênh rạch, chỉnh trang đô thị TP.HCM được đẩy mạnh đã biến sự bất lợi của hệ thống kênh rạch thành lợi thế lớn trong kế hoạch biến quận 8 thành một “thủ phủ” của bất động sản gắn với sông nước.

“Quận 8 là địa bàn đặc thù được thiên nhiên ban tặng cho 23 kênh rạch lớn, nhỏ, từ Kênh Đôi, kênh Bến Nghé, kênh Tàu Hũ, đến rạch Ông Lớn, Ông Nhỏ, Xóm Củi, Ông Nhã... Điều này tạo đem tới môi trường sống xanh gần sông cho dân cư mà các quận khác khó có được. Đó là chưa kể, xét ở góc độ địa lý, quận 8 có nhiều lợi thế, liền kề với các quaận trung tâm của Thành phố. Từ quận 8, chỉ cần qua những cây cầu là có thể di chuyển đến quận 5, quận 1, quận 6… 

Quận 8 còn được biết đến như một trung tâm đầu mối tập trung hàng hóa, nông sản từ miền Đông, miền Tây với các kho tàng, bến bãi, chợ đầu mối lớn của Thành phố…”, ông Đực nói và cho biết, từ vị thế trung chuyển trọng yếu đó, quận 8 nếu biết tận dụng triệt để tiềm năng để phát huy ưu thế cửa ngõ của Thành phố, sẽ trở thành một địa phương phát triển bậc nhất TP. HCM.

Cuộc đổ bộ chủ đầu tư bất động sản

Kể từ năm 2015, đặc biệt từ đầu năm 2016 đến nay, bất động sản khu vực phía Tây Nam TP.HCM như thỏi nam châm hút mạnh nguồn vốn của các chủ đầu tư. Tính đến thời điểm hiện nay, phần lớn các đại gia trên thị trường địa ốc đã có dự án đầu tư tại khu vực này, trong đó riêng Bình Tân và Tân Phú đã có đến hàng chục dự án đang được đầu tư xây dựng.

Sau sự thành công với nhiều dự án tại khu Đông và khu Nam, mới đây, Tập đoàn Hưng Thịnh đã chính thức đặt chân vào thị trường khu Tây bằng việc “thâu tóm” 2 dự án bất động sản có quy mô khá lớn của Công ty Phát triển Nhà Bình Chánh. Dự án căn hộ đầu tiên có tên Moonlight Park View tại quận Bình Tân, được công bố ra thị trường cuối năm 2016 và đã bán hết hàng. Đầu năm nay, Hưng Thịnh tiếp tục công bố thị trường Dự án Moonlight Boulavard với hơn 600 căn hộ cũng được bán thành công chỉ sau vài tuần.

Nhận diện được tiềm năng phát triển của khu Tây, bên cạnh các doanh nghiệp địa ốc, nhiều “ông lớn” trong ngành bán lẻ, y tế, giáo dục… cũng đã nhanh chân tiến vào khu vực này như Aeon Mall, Co.op mart, Big C, các trường học quốc tế, bệnh viện...

Đặc biệt, thị trường khu Tây Nam cũng chứng kiến sự hiện diện của một đại gia nữa là Tập đoàn Novaland với Dự án Khu đô thị Harbor City tại quận 8. Với quy mô diện tích hơn 50 ha, bao gốm 1.325 căn nhà phố và biệt thự, đây sẽ là khu đô thị cao cấp đầu tiên, kỳ vọng sẽ làm nên một diện mạo mới của quận 8.

Trước đó, Tập đoàn Novaland đầu tư dự án căn hộ RichStar tại quận Tân Phú, gồm 7 tòa tháp cao 22 tầng, gần 2.000 căn hộ, mỗi căn có diện tích từ 53 - 94 m2, được định hướng là khu dân cư theo tiêu chuẩn mới tại Tân Phú. RichStar trang bị đầy đủ tiện ích như trung tâm thương mại hiện đại, công viên nội khu, phòng tập gym, khu vui chơi trẻ em, đặc biệt là hai hồ bơi tràn rộng đến 1.400 m2.

Ngoài Hưng Thịnh và Novaland, Công ty Phúc Khang cũng đã nhanh chân có một dự án căn hộ cao cấp quy mô lớn tại khu vực này là Diamond Lotus Lake View, có quy mô 1,2 ha với gần 700 căn hộ. Dự án này được Phúc Khang lên kế hoạch sẽ phát triển theo tiêu chuẩn xanh Hoa Kỳ (Leed) đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.

Ngoài các ông lớn địa ốc trên, còn hàng chục các dự án bất động sản cũng đã được các chủ đầu tư chào hàng trong thời gian qua như dự án căn hộ 3 thế hệ Valeo Đầm Sen, Celadon City, Trung Đông Plaza, Âu Cơ Tower, Invesco Babylon, Sourthem Dragon, Centa Park…. Dự kiến cung ứng ra thị trường trên dưới 10.000 căn hộ.

Tại quận 6, Công ty Him Lam Land đã triển khai xây dựng Him lam Chợ Lớn với quy mô gần 1.600 căn hộ. Dự án này được triển khai từ năm 2015 và đã được bán hết, hiện đã bàn giao cho khách hàng. Cách đó không xa, dọc theo trục đường Võ Văn Kiệt, hàng loạt dự án cũng đã mọc lên như City Gate do Công ty Năm Bảy Bảy làm chủ đầu tư, dự án The Viva City của Công ty Vietcomreal…

Có lẽ, nhận diện được tiềm năng phát triển của khu Tây, bên cạnh các doanh nghiệp địa ốc, nhiều “ông lớn” trong ngành bán lẻ, y tế, giáo dục… cũng đã nhanh chân tiến vào khu vực này như Aeon Mall, Co.op mart, Big C, các trường học quốc tế, Bệnh viện Quốc tế Thành Đô và trong tương lai là Bệnh viện Nhi Đồng 3 cũng sẽ sớm đi vào hoạt động, góp phần nâng cao tiện ích cho cộng đồng cư dân khu vực này.

Theo Tăng Triển
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin rao liên quan

BĐS bán
BĐS cho thuê
Tin đã lưu